12/8/16

          Đêm lại liêu trai
          Đông Hồ
                   (Dễ hay tình lại gặp tình - Tố Như)
           Nhớ thương ngập nẻo sầu cô quạnh
          Xa lắm tiền thân tự kiếp nào
         Đêm ấy đều đều mưa đếm giọt
         Ngàn thông rơi tiếng, nước lao xao

         Mắt ngừng vơ vẩn trên tờ sách
         Sửa lại trầm cho khói bốc cao
         Lửa sáp run run mờ bóng chữ
         Lách mình khe cửa, gió len vào

         Một làn hơi thoảng hương xiêm áo
         Ngát lịm mùi thơm tóc trái đào
         Vàng ngọc tiếng khua rung khẽ khẽ
         Nhìn quanh lòng rợn ý nao nao

         Gió im, ánh lửa bừng tim sáp
         Khép áo, giai nhân chúm chím chào :
         Đợi mãi nghìn xưa lời hẹn ước
         Đường về không một bóng trăng sao

         Bụi mưa thấm ướt trên mình lụa
         Màn gió rèm sương ngỏ đón rào
         Băng giá ngoài kia, ơi lạnh lẽo
         Đây lò hương sưởi chất thơ đào

         Đôi bàn tay ủ đôi tay ấm
         Suối mắt tình cho uống khát khao
         Hồng hạnh thơm bừng gò má nóng
         Khơi nguồn thông cảm phút lao đao

         Ngây thơ thuyền ghé bờ ân ái
         Bóng đợi, hình mong, duyên ước ao
         Đã gặp rồi đây mùa tưởng mộng
         Men lòng say ngọt ý bồ đào

         Yêu đương đâu phải vỉ non biển
         Khăng khít cần chi đến tất giao
         Một sợi tóc tơ huyền đủ buộc
         Nghìn năm người thực với chiêm bao.

         Vành trăng không khuyết
         Đông Hồ

          Người bảo : Như bóng nguyệt
          Ta rằng : Hơn bóng nguyệt
          Bóng nguyệt dẫu sáng trưng
          Năm, mười hai bận khuyết

          Sao băng trong hộp ngọc
          Như nước ngâm trong vắt
          Trăng lặn, trời khi mờ
          Vẫn tròn sáng không hết

          Ta nay già xấu rồi
           Lốm đốm tóc điểm tuyết
          Chẳng bằng bạn trẻ trai
          Soi mái đầu xanh biếc

          Nghìn dặm ai ra đi
          Đưa quà này tiễn biệt
(Theo Dĩ kinh tặng biệt của Bạch Cư Dị)

         Hội đạp thanh 
         Đông Hồ

          Vui lắm thời xưa thuở thái hòa
          Chim rừng dâng dậy nhạc âu ca
          Sương đem bụi ngọc rây lên cỏ
          Rêu mượt mình nhung đá nõn nà
          Róc rách suối tuôn tràn mật ngọt
          Màn căn the mỏng núi xa xa
          Khí lành thơm ngát nghìn hương lá
          Bóng rủ về đây mây thướt tha
          Đường uốn ven rừng từng biếc phủ
          Hoang vu ngờ gặp bóng yêu ma
          Mái tranh nhè nhẹ vươn tơ khói
          Nâng động Cô liêu vẳng tiếng gà

          Muôn cánh mai vàng muôn cánh bướm
          Tưng bừng yến tiệc náo làng hoa
          Mái đầu giữ lại hồn xuân rụng
         Giọt ngọc rơi theo nhịp ngón ngà
         Chòm tóc tơ huyền trần cuộn sóng
         Hàng mi thanh liễu gió la đà
         Mẫu đơn say nắng hây hây đỏ
         Hồng ánh lây sang nếp áo tà
         Gợn lụa in màu hoa tưởng nhớ
         Đây mùa đào chín ửng làn da

        Bên nàng, tiên nữ thơm như mộng
        Ngọc dịch hương vây chén tử hà

          Đông Hồ
          Ông họ Lâm, tên Tấn Phát, sinh ngày 16 tháng 02 năm Bính Ngọ (1906), tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà tiên. Có tên trong nhóm Nam Phong tạp chí (1923-1933). Năm 1935 chủ trương tuần báo Sống ở Sài gòn, giám đốc tập san Nhân loại vào khoảng 1953, chủ trương nhà xuất bản Bốn phương. Đăng bài ở: Kỳ lân báo, Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Đông Pháp thời báo, Bách khoa, Tự do, Cách mạng quốc gia....
          Ông có tâm hồn của nhà ẩn sĩ thanh cao, nên có biệt hiệu là Đại Ẩn am, từng lập Trí đức học xá, chủ trương dạy quốc ngữ, có công rất lớn trong việc khuyến khích con em tin tưởng ở nền Việt ngữ của chúng ta.

          Trinh trắng
          Đông Hồ

           Mơn mởn đồng thơm lá cỏ non
          Hồn đêm chưa có dấu sương mòn
          Ao tràn mưa ngọt bờ hoang dại
          Bèo nở xinh xinh cánh nhỏ tròn

          Chậm chậm triều lui biển xuống rồi
          Nõn nường cát ngỏ ý xanh khơi
          Buâng khuâng nhạc sóng không lên tiếng
          Dìu dịu bình minh tắm nắng tươi

          Lụa cởi da chiều núi tuyết băng:
          Làn son phơn phớt hé môi trăng
          Thiu thiu khóe mắt sao mơ mộng
          Hồ trải lòng gương nước thẳng bằng

          Giấy mở tờ nhung óng mỡ ngà
          Nghiên huyền nhựa mực sánh tinh hoa
          Sương đầm ngòi thỏ run run nét
          Đường Tống hồn xưa ngón nõn nà

          Lối về xóm ấy nhiều đom đóm
         Nhấp nhánh thiên hà ngập bước sao
         Ngỡ lạc tiền thân vào xứ mộng
         Lòng tiên, nghe tiếng gọi, nao nao

         Bên mái trăng non đêm quá nửa
         Muôn hương vườn ngậm cánh mong manh
         Gió mơ lá ngủ sương đi lãng
        Bẽn lẽn hoa quỳnh hé ý trinh.

          Xuân nhật túy khởi ngôn chi
          Lý Bạch

          Xử thế nhược đại mộng
          Hồ vi lao kỳ sinh
          Sở dĩ chung nhật túy
          Đồi nhiên ngọa tiền dinh
          Giác lai, miện đình tiền
          Nhất điểu hoa gian minh
          Tà vấn thử hà nhật
          Xuân phong ngữ lưu oanh !
          Cảm chi, dục thán tức
          Đối chi, hoàn tự khuynh !
           Hạo ca đãi minh nguyệt
           Khúc tận, dĩ vong tình !

          Ngày Xuân, tỉnh rượu, nói ý mình
          Đông Xuyên dịch

          Cuộc đời, giấc mộng lớn
          Làm chi nhọc tấm thân ?
          Tối ngày chén tùy lý
          Trước thềm say nằm lăn !
          Bừng tỉnh ngó ra cửa
          Chim hót trong hoa sân 
          Ướm hỏi ngày tháng nào ?
          Lời oanh vang gió xuân !
          Cám cảnh muốn than thở
          Bầu lại nghiêng mấy tuần !
           Hát tràn, đợi trăng sáng
          Tình quên sau tiếng ngâm !

          Tống hữu nhân nhập Thục
          Lý Bạch

          Kiến thuyết tàm tùng lộ
          Kỳ khu bất dị hành
          Sơn tùng nhân diện khởi
          Vân bang mã đầu sinh
          Phương thụ tung Tần sạn
          Xuân lưu nhiễu Thục thành
          Thăng trầm ưng dĩ định
          Hà tất vấn Quân Bình
(Quân Bình, tên tự là Nghiêm Tuân, thầy bói hay có tiếng ngày xưa ở Trung quốc)

          Đưa bạn vào đất Thục
          Đông Xuyên dịch

          Nghe nói đường vào Thục
          Khập khiểng khó đi thay
          Núi trước mặt người nổi
          Mây bên đầu ngựa bay
          Sạn Tần cây đậm ngát
          Thành Thục nước xuân vây
          Chìm nổi âu là số
          Cần chi hỏi bói hay
 

          Đông Xuyên tên thật là Nguyễn Gia Trụ, bạn với Tản Đà. Ông sinh vào năm 1906 tại làng Đông ngạc, phủ Hoài đức tỉnh Hà đông.
          Trong làng thơ, thi sĩ Đông Xuyên là người trầm lặng, âm thầm nhưng đã là một nhà thơ giữ vẹn được nếp sống Á đông bình dị, không khua động tạo tiếng tăm ồn ào cũng không cố sức chạy theo thời thế một cách gượng gạo như một đôi người có sẳn một mớ tiếng tăm xưa.

          Vô đề (1948)
          Hôm qua mười sáu trăng tròn
          Hôm nay mười bảy trăng mòn tý ty
           Chợ Lâm ta tiễn người đi
          Ngàn cây, giải nước, bốn bề những trăng !

          Gió đâu ? Lên báo chị Hằng:
          Đêm nay ta có giai nhân lên đường
          Yêu ta thì bóng trăng vàng
          Đường xa soi khéo cho nàng dễ đi !
                               (Đông Xuyên)


3/8/16

          Đề ảnh
Ảnh người thơ mộng bến Tương giang
Đã một chiều thu khóc gió vàng
Chiếc bách lênh đênh hai sóng nước
Mối sầu héo hắt nửa can tràng
Tấn tuồng tạo hóa vui chua chát
Quán trọ phù sinh khách lỡ làng
Dồn cuộc trăm năm còn giọt lệ
Thấm lau giấy mực mấy muôn hàng,
                         Tương Phố

         Tương Phố tên thật là Đổ thị Đàm, quê quán ở Khoái châu, tỉnh Hưng Yên. Sinh năm 1900 tại Thất khê, tỉnh Lạng sơn, thượng du miền Bắc.
          Bà là một nữ sĩ thuộc phong trào thi ca lãng mạn của thời trước chiến tranh. Bài Giọt lệ Thu rất được khách yêu thơ tán tụng.
         Với thời gian là một chuỗi dài của lệ, của thơ, thơ Tương Phố là thế đó, rất đàn bà, không có cái khẩu khí như của Bà Huyện Thanh Quan từng đem chí bồng phi thường trách tạo hóa: tạo hóa gây chi cuộc hí trường....Nhưng thơ nữ sĩ Tương Phố thật êm dịu như lời oán than từ trong khuê phòng của phụ nữ Á đông, giữ được cái cốt cách đằm thắm mơ màng của người phụ nữ Việt Nam.
          Trong văn chương Việt Nam, cũng như trong dòng lịch sử anh hùng của dân tộc có rất nhiều phụ nữ phi thường, những cái lạ thường của Hồ xuân Hương lên tiếng chống chọi với số kiếp hẩm hiu, với tập tục trói buộc thì thật là hiếm có. Nhất là một bà Huyện Thanh Quan với sự trầm hùng thống thiết lớn lao của một tâm hồn nặng sầu sử xanh của bà. Còn phần nhiều các nữ sĩ chúng ta cam với số phận, tiếng thơ chỉ bốc dậy lên niềm đau khổ của khách khuê phòng, số phận mỏng manh. Hay có một đôi người như Bâng Bâng nữ sĩ, Ái Lan trong thời kỳ đánh đuổi thực dân, lên tiếng bi thống của một thế hệ vùng lên tranh đấu dành độc lập cho tổ quốc. Bà Tương Phố thuộc lớp người xưa, trong một thời văn học lãng mạn của Tây phương du nhập vào nước ta rất phồn thịnh, văn thơ bà như một phụ nữ diễm lệ đón luồng gió lạ, trong chốn thâm nghiêm, bộc lộ lên vẽ kiều mỵ của một nhan sắc tươi thắm, nhưng sớm đau khổ vì tình, chịu cảnh chia tan và luôn có một niềm khát vọng xen lẫn trong cái đau đớn chắp nối của kiếp hồng nhan. Tuy nhiên càng về sau, lời thơ càng tỏ ra chắc chắn, già dặn, và trang trọng hơn nhiều, nét nhìn đời sâu sắc và yêu thương với một tình yêu rộng hơn, tình yêu với nhân loại và núi sông..

          Đề Đô thành Nam trang (hay còn gọi Đề tích sở kiến xứ) là một trong rất ít những bài Đường thi nói về chủ đề tình yêu của tác giả Thôi Hộ. Tuy sáng tác ít nhưng Thôi Hộ được "lưu danh thiên cổ" cũng nhờ vào bài thất ngôn tứ tuyệt gắn với "thiên tình sử" nhiều giai thoại này.
Đề Đô Thành Nam Trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Dịch nghĩa
Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành
Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao
(Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.
  • Đô Thành: Tức Trường An (kinh đô nhà Đường)

       Thôi Hộ tự Ân công, người quận Bác lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực lệ, Trung Hoa, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông. Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du.
       Một lần nhân tiết Thanh minh, chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương.      Nhân thấy một khuôn viên trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát sau lại thấy một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi.
        Năm sau, cũng trong tiết Thanh minh, người con trai trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng. Lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng. Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc một huyền thoại.

31/7/16

         Nhớ mộng
         Tản Đà

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi
Nghĩ đời lắm nổi không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại chán đời
Những lúc canh gà ba cốc rượu
Với khi cánh điệp bốn phương trời
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai ?
          Bài Nhớ mộng, làm theo thể thất ngôn bát cú, nằm trong bài Thư giả nhời cô Chu Kiều Oanh, in trong tập văn thơ Còn chơi, xuất bản năm 1921.

         Nhà phê bình Lê Thanh, trong quyển Thi sĩ Tản Đà (xuất bản năm 1939), đã có lời khen ngợi bài thơ này như sau:
         ...Tản Đà nói ông nhớ mà không biết nhớ ai, ông than mà không biết than về cái gì, thì...chất thơ ông trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt, với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng...và ông đã làm nên những câu thơ tuyệt mỹ...Hãy giở trong tập thơ của ta từ mấy trăm năm nay, ta tìm thế nào cho thấy những bài thơ như bài "Nhớ mộng".

          Dẫn lại đoạn bình trên, thi sĩ Xuân Diệu bàn thêm:
          Như vậy, theo Lê Thanh thì trong bài thơ "Nhớ mộng" có một chất gì đó mà từ trước chưa có. Từ trước, có thể đã có những bài thơ hay hơn, sâu hơn, đau đớn hơn...nhưng cái giọng điệu này, phải chờ những thập niên đầu thế kỷ 20 mới có. Đó là chủ nghĩa lãng mạn.Chất lãng mạn thì vạn đại vốn có ở trong gió mây sấm chớp của trời đất, vốn có trong thơ Khuất Nguyên, thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Du...nhưng chủ nghĩa lãng mạn với cái "tôi", cái "bệnh của thế kỷ", với cái mơ màng, cái cảm xúc chơi vơi của cái "tôi", thì phải những chục năm đầu của thế kỷ 20 với Tản Đà, mới có. Những câu thơ có thần hơn cả của Tản Đà, người khác không làm được, là những câu buồn mơ mộng, buồn vô định...

Tống biệt 
Tản Đà
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
          Tống biệt được trích trong vở chèo Thiên Thai do Tản Đà sáng tác năm 1922. Nội dung diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan ngọ (còn gọi là tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì không còn thấy các tiên đâu nữa...Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích.

           Ở bài Tống biệt, tác giả chỉ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu-Nguyễn với hai nàng tiên, để qua đó "thầm gửi gắm niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ trở lại".
           Tống biệt là bài từ khúc theo điệu Hoa phong lạc, có thể coi là một bài toàn bích. Vì đây là vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi), cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung nhưng đầy luống tiếc. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữa cảnh trời đất mênh mông...

          Giới thiệu bài thơ này, thi sĩ Bùi Giáng có lời bình:
          Lá rơi - Hình ảnh của lìa tan, của ly biệt...Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng...Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữ Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt...
         Sực tỉnh rồi...còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời...đem đi mộng cũ của lòng ta...Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi...
          Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng-Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời...


          Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả phân tích:
          ..."Ngậm ngùi" là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xét lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ.
          "Nửa năm tiên cảnh,
          Một bước trần ai"...
          Diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trộc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ "Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy, huê trôi" cốt nói thêm rằng cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. "Cái hạc" không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút.
           Tiếng "thơ thẩn" như tả một người đi lẻ loi. "Bóng trăng" có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình duyên đẹp nhất và cũng bi thương nhất...Về mặt nghệ thuật, chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng.

          Muốn làm thằng Cuội
          Tản Đà

          Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi 
          Trần thế em nay chán nữa rồi
          Cung quế có ai ngồi đó chửa ?
          Cành đa xin chị nhắc lên chơi
          Có bầu có bạn can chi tủi
          Cùng gió cùng trăng thế mới vui
          Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám 
         Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

          Tản Đà có đời sống rất thơ, cũng như thơ là đời sống của người. Thi nhân  không phải lạc giữa cuộc đời, không phải chán đời theo thói thường bi quan yếm thế mà thật ra khinh cái đời đáng chán, đầy rẫy vinh nhục thăng trầm thảm thương này.


           Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
 Gác Hoàng hạc
(Tản Đà dịch thơ)
Hạc hoàng ai cỡi đi đâu ?
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ !
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán dương sông lạnh cây bày
Bãi xa Anh vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

          Ngày xưa Tư mã Tương Như và Trác văn Quân cỡi hạc vàng bay về trời, đó là một truyền thuyết, nhưng nói lên tâm thức của một nòi tình phong lưu khi sống phiêu diêu, lúc chết nhập vào cõi tiên. Người xưa cỡi hạc vàng đi mất, bây giờ chiếc lầu mang tên Hoàng hạc còn âm thầm nơi ấy ghi lại một nơi thanh lịch của loài người.

          Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, một nhà thơ nhà Đường. Tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng hạc lâu định làm thơ, đã thấy Thôi Hiệu đề thơ trên vách, đọc xong Lý Bạch vứt bút, ngửa mặt than rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
Dịch nghĩa:
Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu.

Nguyệt dạ - Đổ Phủ

Kim dạ Phu châu nguyệt
Khuê trung chỉ độc khan
Đạo liên tiểu nhi nữ
Vị giải ức Tràng an
Hương vụ vần hoàn thấp
Thanh huy ngọc tỷ hàn
Hà thời ỷ hư hoảng
Song chiếu lộ ngàn can


Đêm trăng sáng
(Tản Đà dịch thơ)

Châu phu này lúc trăng soi
Buồng the đêm vắng riêng coi một mình
Đoái thương thơ dại đầu xanh
Tràng an chữa biết mang tình nhớ nhau
Sương sa thêm ướt mái đầu
Cánh tay ngọc trắng lạnh màu sáng trong
 Bây giờ tựa bức màn không
Gương soi chung bóng lộ giòng sương khô.

          Bài thơ này được sáng tác lúc Ðỗ Phủ trên đường đi Linh Vũ để phò Ðường Túc Tông, bị lính của An Lộc Sơn bắt đem về giam cầm ở Trường An. Ðêm trăng nhớ vợ và con thơ còn ở lại Phu Châu.


30/7/16

 Minh nguyệt xuất thiên san
Thương mang vận hải gian
Trưởng phong kỹ vạn lý
Xuy hướng Ngọc môn quan
Hán hạ bạch đằng đạo
Hồ khuynh Thanh hải loan
Do lai chinh chiến địa
Bất kiến hữu nhân hoàn
Thú khách vong biến sắc
Tư quy đa hồ nhan
Cao lâu đương thử dạ
Thán tức dị ưng nhàn
(Bạch Cư Dị)

29/7/16


Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng trông
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

          Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 tại làng Khê thượng, huyện Bất bạt, tỉnh Sơn tây, là một vùng đồng bằng bên cạnh sông Đà, chạy thẳng tắp đến núi Tản viên. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.

Like

Translate

Đang theo dõi online

BTemplates.com

Tổng số lượt xem trang

Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts