31/7/16

         Nhớ mộng
         Tản Đà

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi
Nghĩ đời lắm nổi không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại chán đời
Những lúc canh gà ba cốc rượu
Với khi cánh điệp bốn phương trời
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai ?
          Bài Nhớ mộng, làm theo thể thất ngôn bát cú, nằm trong bài Thư giả nhời cô Chu Kiều Oanh, in trong tập văn thơ Còn chơi, xuất bản năm 1921.

         Nhà phê bình Lê Thanh, trong quyển Thi sĩ Tản Đà (xuất bản năm 1939), đã có lời khen ngợi bài thơ này như sau:
         ...Tản Đà nói ông nhớ mà không biết nhớ ai, ông than mà không biết than về cái gì, thì...chất thơ ông trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt, với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng...và ông đã làm nên những câu thơ tuyệt mỹ...Hãy giở trong tập thơ của ta từ mấy trăm năm nay, ta tìm thế nào cho thấy những bài thơ như bài "Nhớ mộng".

          Dẫn lại đoạn bình trên, thi sĩ Xuân Diệu bàn thêm:
          Như vậy, theo Lê Thanh thì trong bài thơ "Nhớ mộng" có một chất gì đó mà từ trước chưa có. Từ trước, có thể đã có những bài thơ hay hơn, sâu hơn, đau đớn hơn...nhưng cái giọng điệu này, phải chờ những thập niên đầu thế kỷ 20 mới có. Đó là chủ nghĩa lãng mạn.Chất lãng mạn thì vạn đại vốn có ở trong gió mây sấm chớp của trời đất, vốn có trong thơ Khuất Nguyên, thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Du...nhưng chủ nghĩa lãng mạn với cái "tôi", cái "bệnh của thế kỷ", với cái mơ màng, cái cảm xúc chơi vơi của cái "tôi", thì phải những chục năm đầu của thế kỷ 20 với Tản Đà, mới có. Những câu thơ có thần hơn cả của Tản Đà, người khác không làm được, là những câu buồn mơ mộng, buồn vô định...

Tống biệt 
Tản Đà
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
          Tống biệt được trích trong vở chèo Thiên Thai do Tản Đà sáng tác năm 1922. Nội dung diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan ngọ (còn gọi là tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì không còn thấy các tiên đâu nữa...Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích.

           Ở bài Tống biệt, tác giả chỉ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu-Nguyễn với hai nàng tiên, để qua đó "thầm gửi gắm niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ trở lại".
           Tống biệt là bài từ khúc theo điệu Hoa phong lạc, có thể coi là một bài toàn bích. Vì đây là vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi), cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung nhưng đầy luống tiếc. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữa cảnh trời đất mênh mông...

          Giới thiệu bài thơ này, thi sĩ Bùi Giáng có lời bình:
          Lá rơi - Hình ảnh của lìa tan, của ly biệt...Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng...Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữ Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt...
         Sực tỉnh rồi...còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời...đem đi mộng cũ của lòng ta...Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi...
          Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng-Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời...


          Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả phân tích:
          ..."Ngậm ngùi" là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xét lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ.
          "Nửa năm tiên cảnh,
          Một bước trần ai"...
          Diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trộc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ "Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy, huê trôi" cốt nói thêm rằng cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. "Cái hạc" không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút.
           Tiếng "thơ thẩn" như tả một người đi lẻ loi. "Bóng trăng" có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình duyên đẹp nhất và cũng bi thương nhất...Về mặt nghệ thuật, chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng.

          Muốn làm thằng Cuội
          Tản Đà

          Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi 
          Trần thế em nay chán nữa rồi
          Cung quế có ai ngồi đó chửa ?
          Cành đa xin chị nhắc lên chơi
          Có bầu có bạn can chi tủi
          Cùng gió cùng trăng thế mới vui
          Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám 
         Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

          Tản Đà có đời sống rất thơ, cũng như thơ là đời sống của người. Thi nhân  không phải lạc giữa cuộc đời, không phải chán đời theo thói thường bi quan yếm thế mà thật ra khinh cái đời đáng chán, đầy rẫy vinh nhục thăng trầm thảm thương này.


           Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
 Gác Hoàng hạc
(Tản Đà dịch thơ)
Hạc hoàng ai cỡi đi đâu ?
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ !
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán dương sông lạnh cây bày
Bãi xa Anh vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

          Ngày xưa Tư mã Tương Như và Trác văn Quân cỡi hạc vàng bay về trời, đó là một truyền thuyết, nhưng nói lên tâm thức của một nòi tình phong lưu khi sống phiêu diêu, lúc chết nhập vào cõi tiên. Người xưa cỡi hạc vàng đi mất, bây giờ chiếc lầu mang tên Hoàng hạc còn âm thầm nơi ấy ghi lại một nơi thanh lịch của loài người.

          Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, một nhà thơ nhà Đường. Tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng hạc lâu định làm thơ, đã thấy Thôi Hiệu đề thơ trên vách, đọc xong Lý Bạch vứt bút, ngửa mặt than rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
Dịch nghĩa:
Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu.

Nguyệt dạ - Đổ Phủ

Kim dạ Phu châu nguyệt
Khuê trung chỉ độc khan
Đạo liên tiểu nhi nữ
Vị giải ức Tràng an
Hương vụ vần hoàn thấp
Thanh huy ngọc tỷ hàn
Hà thời ỷ hư hoảng
Song chiếu lộ ngàn can


Đêm trăng sáng
(Tản Đà dịch thơ)

Châu phu này lúc trăng soi
Buồng the đêm vắng riêng coi một mình
Đoái thương thơ dại đầu xanh
Tràng an chữa biết mang tình nhớ nhau
Sương sa thêm ướt mái đầu
Cánh tay ngọc trắng lạnh màu sáng trong
 Bây giờ tựa bức màn không
Gương soi chung bóng lộ giòng sương khô.

          Bài thơ này được sáng tác lúc Ðỗ Phủ trên đường đi Linh Vũ để phò Ðường Túc Tông, bị lính của An Lộc Sơn bắt đem về giam cầm ở Trường An. Ðêm trăng nhớ vợ và con thơ còn ở lại Phu Châu.


30/7/16

 Minh nguyệt xuất thiên san
Thương mang vận hải gian
Trưởng phong kỹ vạn lý
Xuy hướng Ngọc môn quan
Hán hạ bạch đằng đạo
Hồ khuynh Thanh hải loan
Do lai chinh chiến địa
Bất kiến hữu nhân hoàn
Thú khách vong biến sắc
Tư quy đa hồ nhan
Cao lâu đương thử dạ
Thán tức dị ưng nhàn
(Bạch Cư Dị)

29/7/16


Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng trông
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

          Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 tại làng Khê thượng, huyện Bất bạt, tỉnh Sơn tây, là một vùng đồng bằng bên cạnh sông Đà, chạy thẳng tắp đến núi Tản viên. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.

Like

Translate

Đang theo dõi online

BTemplates.com

Tổng số lượt xem trang

Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts